Ma-thi-ơ 10:29-31 “Hai con chim sẻ há chẳng từng bị bán một đồng tiền sao? Và ví không theo ý muốn Cha các ngươi, thì chẳng hề một con nào rơi xuống đất. Tóc trên đầu các ngươi cũng đã đếm hết rồi. Vậy, đừng sợ chi hết, vì các ngươi quí trọng hơn nhiều con chim sẻ.”Phi-líp 4:19 “Đức Chúa Trời tôi sẽ làm cho đầy đủ mọi sự cần dùng của anh em y theo sự giàu có của Ngài ở nơi vinh hiển trong Đức Chúa Jêsus Christ.”

Người Việt nam có câu “muốn ăn thì lăn vào bếp” hoặc “có làm thì mới có ăn.” Nhưng những câu đó có trái với ý nghĩa của hai câu KT trên hay không? Không hề! vì đó là nguyên lý sống!Nếu chỉ nghĩ nông cạn, chúng ta cho rằng: tôi có Đức Chúa Trời lo cho rồi, không phải làm gì cả. Không cần thiết đi làm, Chúa sẽ chu cấp. Tôi sẽ cầu nguyện cả ngày và Chúa sẽ ban ma-na đầy nồi mỗi ngày.

Tôi nghĩ, điều đó không hợp lý. Khi Chúa dựng nên con người trong Sáng thế ký và cho họ “quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng bò trên mặt đất, và khắp cả đất.” “Quản trị” đây không phải là ông vua, ngồi chỉ tay hai ngón, và cả thế giới sẽ phục vụ mình. Nhưng Ngài muốn con người giúp đỡ muôn vật và trái đất được thịnh vượng (flourishing). Điều đó cũng có nghĩa là “làm việc.”

Không một anh hùng nào trong KT mà không phải làm việc cách này hay cách khác. Chúa ban cho đồ ăn, nhưng chim trời phải làm việc cực nhọc để kiếm ăn. Dân Do Thái phải ra nhặt ma-na mỗi ngày trong sa mạc, chớ Ngài không để ma-na tự động làm đầy lọ của họ. Châm ngôn 6 nói về loài kiến: “Hỡi kẻ biếng nhác, hãy đi đến loài kiến; Khá xem xét cách ăn ở nó mà học khôn ngoan. Tuy nó không có hoặc quan tướng, hoặc quan cai đốc, hay là quan trấn, Thì nó cũng biết sắm sửa lương phạn mình trong lúc mùa hè, và thâu trữ vật thực nó trong khi mùa gặt.” Còn về sự biếng nhác thì nói, “ngủ một chút, chợp mắt một chút, khoang tay nằm một chút…, thì sự nghèo khổ của ngươi sẽ đến như kẻ đi rảo, và sự thiếu thốn của ngươi tới như người cầm binh khí” (đến thình lình như vũ bão).

Chúng ta cần điều gì, hãy “cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn” (Phi-líp 4:6). Nguyên lý mà sứ đồ Phao-lô nói làm tôi nhớ đến phương thức thực hiện một dự án gọi là “Logic model.” Trong Logic model, chúng ta sẽ nghĩ đến kết quả mà chúng ta mong muốn, sau đó nghĩ cách để đạt được kết quả đó và cuối cùng là xem những gì chúng ta đang có để giúp cho việc đạt được kết quả đó. Cùng một ý nghĩ, chúng ta cầu xin điều chúng ta muốn.

Hãy xin Chúa sự khôn ngoan và cách thức để đạt được, hoặc là những hoạt động của Ngài mà chúng ta không biết đến. Nhưng cảm tạ Chúa vì những gì chúng ta đang có. Cảm tạ có nghĩa, chúng thật sự biết ơn những điều Ngài đã ban cho chúng ta, và chúng ta dùng những điều đã ban đó một cách trung tín. Người đầy tớ được ban 5 ta-lên và 2 ta-lên đã dùng tiền đã ban một cách trung tín để làm lợi cho chủ. Chúa là Chúa của sự cần dùng mỗi ngày, hãy “cầu nguyện, nài xin và sự tạ ơn,” và dùng khả năng mà Chúa ban cho để làm việc, vì trái sung đã chín đầy cây nhưng sung sẽ không rơi vào miệng đâu.

Lam Daniel

View all posts